Giáo dục công dân kỹ thuật số Công dân kỹ thuật số

Trong những năm qua, đã có một sự thay đổi lớn, người dùng chuyển từ công dân kỹ thuật số sang lãnh đạo kỹ thuật số và tạo ra tác động lớn hơn đối với các tương tác trực tuyến. Công dân kỹ thuật số tiếp cận theo cách có trách nhiệm và đạo đức nhưng vẫn còn thụ động, tuy nhiên lãnh đạo kỹ thuật số lại có cách tiếp cận chủ động hơn, bao gồm "sử dụng internet và phương tiện truyền thông xã hội để cải thiện chất lượng cuộc sống của mình và người khác" như một phần của cuộc sống hàng ngày.[34]

Một số nhà phê bình nói rằng: Giống như sự đồng cảm có thể được lan truyền đến một số lượng lớn các cá nhân thì sự thù hận cũng vậy. Mặc dù Liên Hợp Quốc và các nhóm cộng đồng đã thành lập các mặt trận chống lại phát ngôn thù hận, nhưng không có định nghĩa pháp lý nào về ngôn từ kích động thù địch được sử dụng trên phạm vi quốc tế và cần phải nghiên cứu thêm về tác động của nó.[35]

Các xu hướng và mục tiêu của giáo dục công dân kỹ thuật số bao gồm: Dấu chân kỹ thuật số; Kiến thức kỹ thuật số; Hiểu biết thông tin; Bản quyền, tôn trọng sở hữu trí tuệ, sự ghi nhận; Sức khỏe và giữ gìn sức khỏe; Trao quyền phát ngôn cho công dân; An toàn, bảo mật và quyền riêng tư; Giáo dục tính cách, đạo đức; Nuôi dạy thế hệ tương lai. Những mục tiêu này được phân chia thành nội dung của các kỹ năng cần thiết, văn hóa ứng xử và khả năng bảo vệ an toàn trên nền tảng kỹ thuật số mà mỗi công dân kỹ thuật số cần phải học hỏi và đạt được.

Những kỹ năng cần thiết của công dân kỹ thuật số [36]

Công dân kỹ thuật số trong thời đại công nghệ phát triển hiện nay cần rất nhiều kỹ năng cần thiết để thực hiện các hoạt động hiệu quả trên nền tảng kỹ thuật số. Dựa trên nghiên cứu và đánh giá của DQ Institute, danh tính kỹ thuật số, quản lý thời gian tiếp xúc với màn hình, quản lý bắt nạt trên mạng, quản lý an ninh mạng, quản lý bảo mật, tư duy phê phán, dấu chân kỹ thuật số và cảm thông kỹ thuật số là 8 kỹ năng cần thiết mà mỗi công dân cần phải có.[37]

  • Danh tính công dân kỹ thuật số
Danh tính công dân kỹ thuật số đề cập đến việc mỗi công dân cần có kỹ năng xây dựng và quản lý những thông tin liên quan đến danh tính thực tế của bản thân trong thế giới kỹ thuật số; ví dụ: ngày sinh, địa chỉ, số điện thoại,.... Những thông tin này có khả năng giúp người dùng trên nền tảng công nghệ nhận diện lẫn nhau. Khi một người dùng chia sẻ quá nhiều thông tin liên quan đến danh tính có thể gây ra nhiều rủi ro. Một trong những rủi ro được biết đến là việc kẻ xấu đánh cắp thông tin và mạo danh nhằm thực hiện các hành vi lừa đảo trục lợi, đăng tải bài viết có nội dung khiêu dâm, khiêu khích, đăng tải các thông tin giả mạo, khiến uy tín và danh dự của người dùng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.[38]Do vậy, một công dân kỹ thuật số cần có kỹ năng quản lý danh tính để có thể bảo vệ dữ liệu cá nhân an toàn trong môi trường kỹ thuật số.
  • Quản lý thời gian tiếp xúc với màn hình
Quản lý thời gian tiếp xúc với màn hình đề cập đến kỹ năng quản lý cuộc sống của công dân kỹ thuật số, cân bằng giữa môi trường trực tuyến và ngoại tuyến.Công nghệ kỹ thuật số hỗ trợ mọi người làm việc hiệu quả và tương tác với nhau mọi lúc mọi nơi. Tuy nhiên, việc người dùng tiếp xúc quá thường xuyên với các thiết bị, phương tiện kỹ thuật số có thể gây ra một số rủi ro về sức khỏe và công việc; ví dụ như: tình trạng mệt mỏi, giảm thị lực, đau cổ, nhức đầu, giảm năng suất làm việc,....[39] Một công dân kỹ thuật số nên có khả năng quản lý thời gian tiếp xúc với màn hình để đảm bảo sức khỏe tinh thần và thể chất đồng thời nâng cao năng suất làm việc.
  • Quản lý bắt nạt trên mạng
Bắt nạt trên mạng là hành vi cố ý gây tổn thương cho người khác thông qua môi trường kỹ thuật số. Người bắt nạt có thể vào tham gia bình luận, chia sẻ nội dung mang tính tiêu cực nhằm làm đối tượng bị bắt nạt cảm thấy đau khổ, hổ thẹn, nhục nhã, chán nản, trầm cảm,… thậm chí là tự tử. Bắt nạt trên mạng nguy hiểm hơn so với bắt nạt ngoài thực tế bởi người bắt nạt trên nền tảng kỹ thuật số có thể che giấu danh tính của bản thân và lôi kéo đám đông cùng bắt nạt một cách nhanh chóng.[40][41]Bắt nạt trên mạng được xem như một vấn đề phổ biến của người dùng, đặc biệt là thanh thiếu niên[42] khi sử dụng internet và các phương tiện công nghệ. Các hành vi bắt nạt xảy ra trong không gian mạng thông qua các hình thức như bằng tin nhắn văn bản, gửi hình ảnh, video clip bắt nạt qua điện thoại di động, email, mạng xã hội....[43]Một môi trường trực tuyến lành mạnh được tạo ra khi mỗi công dân kỹ thuật số đều có khả năng xác định, quản lý và giảm thiểu các rủi ro bắt nạt, đe dọa, quấy rối,...trên môi trường kỹ thuật số bằng cách phát triển nhận thức xã hội, kỹ năng ra quyết định, giao tiếp và ứng xử hiệu quả. Công dân kỹ thuật số khi có được các kỹ năng này sẽ biết cách làm thế nào để bản thân tránh bị bắt nạt trên mạng và có những biện pháp ứng phó hiệu quả.Công dân kỹ thuật số khi tham gia vào môi trường trực tuyến có thể gặp phải những đe dọa khác nhau như bị hacker tấn công, lừa đảo trên mạng, phần mềm độc hại,.... Công dân kỹ thuật có kỹ năng quản lý an ninh mạng có thể phát hiện các mối đe dọa trên mạng, từ đó đề ra các biện pháp bảo vệ dữ liệu cá nhân, thiết bị kỹ thuật số. Bằng cách sử dụng các công cụ bảo mật an toàn như mật khẩu, tường lửa, ứng dụng chống phần mềm độc hại, nhiều người dùng đã có thể phòng ngừa và loại bỏ các mối đe dọa này mà không làm ảnh hưởng đến dữ liệu và thiết bị.[44] Bên cạnh đó, công dân kỹ thuật số cũng cần đề cao cảnh giác đối với các hành vi làm tổn hại đến dữ liệu và thiết bị của mình và mạnh dạn xử lý khi gặp vấn đề.
  • Quản lý bảo mật
Quản lý bảo mật đề cập đến kỹ năng xử lý một cách thận trọng tất cả thông tin cá nhân được chia sẻ trực tuyến nhằm bảo vệ quyền riêng tư của bản thân công dân kỹ thuật số và những người khác. Cách sử dụng, lưu trữ, xử lý và chia sẻ thông tin cá nhân trong nền tảng kỹ thuật số kết hợp với các công cụ bảo mật giúp công dân kỹ thuật số bảo vệ thông tin của mình trước nguy cơ bị kẻ xấu đánh cắp dữ liệu nhằm phỉ báng và bôi nhọ danh dự, nhân phẩm.[45] Ngoài ra, công dân cũng cần tôn trọng quyền riêng tư và thông tin cá nhân của người khác và coi đây là tài sản giá trị đáng được bảo vệ.
  • Tư duy phản biện
Tư duy phản biện đề cập đến kỹ năng tìm kiếm, phân tích, đánh giá những thông tin trên các nền tảng trực tuyến của một công dân kỹ thuật số. Nền tảng trực tuyến đang ngày càng phát triển đem đến cho người dùng lượng thông tin vô cùng lớn (bao gồm cả thông tin tốt, đáng tin cậy và thông tin xấu, không đáng tin cậy, thông tin sai lệch). Người dùng cần có khả năng sử dụng máy tính, phần mềm, ứng dụng thành thạo cũng như hiểu rõ nhu cầu thông tin, điều hướng hiệu quả, đánh giá phê bình và tổng hợp thông tin đảm bảo quá trình thu thập, sắp xếp nội dung, phân biệt thông tin có ích hiệu quả hơn.[46] Trong quá trình đó, người dùng phải cẩn thận chọn lọc những thông tin cũng như đánh giá về độ tin cậy của những thông tin đó.
  • Dấu chân điện tử
Dấu chân điện tử không chỉ xuất hiện khi người dùng chủ động tham gia vào quá trình sản xuất nội dung, chia sẻ ý tưởng của cá nhân trên các trang truyền thông (chủ động) mà chúng còn ghi lại hoạt động trên các trang mạng internet một cách tự động trong khi người dùng cũng không biết (thụ động)[47]. Dấu chân điện tử còn đề cập đến khả năng hiểu rõ bản chất, ảnh hưởng thực tế của dấu chân điện tử để quản lý chúng một cách có trách nhiệm.[48]Mọi hành vi của người dùng trên nền tảng trực tuyến đều được số hóa thành dữ liệu người dùng. Từng hành động và bước đi của người dùng đều được ghi lại và lưu trữ trên hệ thống, ví dụ như các hoạt động tương tác (like, share, comment,...), click quảng cáo, lịch sử giao dịch ATM, mua hàng, tìm kiếm.... Các thông tin cá nhân này có thể được thu thập khi người dùng sử dụng công cụ tìm kiếm và trở thành nguồn dữ liệu phục vụ lợi ích cho các bên quan tâm, ví dụ như: các doanh nghiệp thu thập dữ liệu dấu chân điện tử để cho ra các chiến lược truyền thông.
  • Đồng cảm kỹ thuật số
Đồng cảm kỹ thuật số cung cấp cho công dân kỹ thuật số khả năng nhận thức và bày tỏ cảm xúc, nhu cầu trực tuyến của bản thân đối với xã hội.[49]Trong thời đại hiện nay, ngoài thế giới thực, môi trường trực tuyến còn trở thành nơi mọi người có thể chia sẻ thông tin, tương tác, bày tỏ quan điểm, cảm xúc cho nhau. Công dân kỹ thuật số khi tham gia vào môi trường này phải hiểu và nhận thức được các tương tác trực tuyến của họ ảnh hưởng như thế nào đến người khác. Công dân cần nhạy cảm hơn đối với cảm xúc và tôn trọng quan điểm của người khác bằng cách kiểm soát và điều chỉnh tương tác, phản hồi phù hợp.

Văn hóa ứng xử[50]

  • Tôn trọng và có trách nhiệm với bản thân
Internet cung cấp môi trường và phương tiện giúp mọi người kết nối với nhau. Tuy nhiên, mỗi công dân kỹ thuật số cần nhận thức được rằng đôi khi internet thiếu bảo mật thông tin và người dùng nên đăng tải thông tin có chọn lọc, tránh ảnh hưởng đến chính mình.Một công dân kỹ thuật số khi hoạt động trên nền tảng trực tuyến cần thực hiện các tương tác và cung cấp thông tin có chừng mực. Trước khi đăng tải điều gì đó lên môi trường kỹ thuật số, người dùng nên xác định nội dung đăng tải có đủ tính xác thực hay không, hình ảnh có mang tính khiêu khích người khác hay tiết lộ quá mức thông tin về bản thân hay không. Trong một số trường hợp, các từ ngữ hoặc hình ảnh do người dùng đăng tải lên môi trường trực tuyến có thể lan truyền tới cả những đối tượng không mong muốn. Trường hợp này xảy ra bởi những trang mạng trực tuyến như Twitter, blog, Facebook,.. có sự tham gia của đông đảo mọi người, do đó thông tin được đăng tải có thể bị người khác sử dụng theo hướng tiêu cực gây ảnh hưởng tới người dùng, ví dụ như bắt nạt và lạm dụng trực tuyến. Một khi gặp phải tình trạng này, người dùng cần phải giữ bình tĩnh, tỉnh táo giải quyết bằng cách ghi lại bằng chứng, báo cáo lạm dụng cho người điều hành trang web và các cơ quan có thẩm quyền.
  • Tôn trọng và có trách nhiệm với người khác
Mỗi người dùng đăng tải hình ảnh, từ ngữ hay bất cứ thông tin gì lên các môi trường kỹ thuật số đều có thể ảnh hưởng lâu dài đến người khác. Một công dân kỹ thuật số văn minh cần nhận thức rõ điều này cũng như có trách nhiệm và tôn trọng đối với người khác. Trong thời điểm hiện nay, việc đăng tải một nội dung lên nền tảng kỹ thuật số là điều dễ dàng và những nội dung này cũng có thể bị lợi dụng để lan truyền tin đồn một cách tiêu cực. Khi gặp phải trường hợp này, người dùng có thể cân nhắc báo cáo lạm dụng và khuyến khích mọi người tôn trọng người bị ảnh hưởng trong các cuộc thảo luận trực tuyến.Mỗi công dân kỹ thuật số nên sáng suốt lựa chọn những trang web lành mạnh, tránh những tin đồn, phân biệt chủng tộc, trang web khiêu dâm,…nhằm ngăn cản sự tồn tại và phổ biến của chúng đến với mọi người. Khi gặp phải những trang web như vậy, chúng ta có thể dùng báo cáo không phù hợp, lạm dụng trong mục "Báo cáo lạm dụng" trên các trang web xã hội và không chuyển tiếp các nội dung có ý xúc phạm.
  • Tôn trọng và có trách nhiệm với tài sản
Các nền tảng kỹ thuật số thực sự là một không gian chia sẻ thông tin, tài liệu rộng lớn. Các tài liệu được tác giả dành thời gian, công sức và kinh nghiệm của họ để tạo nên và chia sẻ miễn phí (hoặc có phí). Do đó, mỗi công dân kỹ thuật số cần tôn trọng đối với tất cả những tài sản trí tuệ này.Các tài sản trí tuệ có thể là phần mềm, văn học, âm nhạc, phim ảnh,…[51] Nếu người dùng không đồng ý với giá cả để sở hữu chúng, họ sẽ tìm nhiều cách khác (bao gồm hình thức sao chép) để sử dụng nó miễn phí mà không vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, những hành vi này là vi phạm bản quyền và là hành vi trộm cắp. Một công dân kỹ thuật số văn minh không nên thực hiện những hành vi trên; thay vào đó nên tìm các phiên bản tài sản trí tuệ có giá rẻ hơn hoặc miễn phí.

An toàn trên nền tảng kỹ thuật số

Trong môi trường kỹ thuật số, các thông tin được đông đảo người dùng chia sẻ với nhiều chủ đề đa dạng trong cuộc sống. Khi tham gia vào môi trường này, chúng ta có thể có được nhiều thông tin bổ ích đồng thời chia sẻ lên thông tin của cá nhân. Tuy nhiên, mỗi công dân kỹ thuật số cần đề cao cảnh giác với các mối nguy hại tiềm ẩn xung quanh quyền riêng tư. Các nguy cơ lộ thông tin danh tính, bí mật tài sản hay bị hacker tấn công thông tin của người dùng,… và các thông tin này có thể bị kẻ xấu lợi dụng với mục đích xấu bất cứ lúc nào.[52]

Để bảo vệ chính mình an toàn trên nền tảng kỹ thuật số, công dân kỹ thuật số cần cẩn thận trong quá trình hoạt động trên môi trường trực tuyến, tăng cường biện pháp bảo mật như tạo mật khẩu bảo vệ mạnh mẽ, xây dựng tường lửa, cài đặt các phần mềm chống virus,….[53]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Công dân kỹ thuật số http://ijcsit.com/docs/Volume%205/vol5issue06/ijcs... http://digitalhawks.weebly.com/digital-law.html http://laurabiancoedtech.weebly.com/digital-access... http://laurabiancoedtech.weebly.com/digital-commun... http://laurabiancoedtech.weebly.com/digital-rights... http://airccse.org/journal/ijwest/papers/3112ijwes... http://news.bbc.co.uk/1/hi/technology/4225938.stm http://www.bachmai.gov.vn/en/tin-tuc-va-su-kien/y-... http://kinhtedothi.vn/so-huu-tri-tue-va-nhung-dieu... https://educators.brainpop.com/2019/10/07/digital-...